Làm sao giỏi Văn, giỏi Viết lẫn Lách!

Thật buồn cười khi một người từng đạt 4 điểm Văn tốt nghiệp tiểu học, lại chia sẻ kinh nghiệm giỏi Văn. Có thể tôi không giúp bạn trở thành học sinh giỏi Văn nhất nước hay thủ khoa đại học, song để tăng điểm Văn, để viết lách tốt hơn thì tôi tự tin giúp được. Dù sao đi nữa, tôi cũng đã từng đạt 8 điểm Văn thời học phổ thông (hồi đó, chẳng bao giờ có điểm 10 Văn, 9 thì hiếm vô cùng) và sau này là xuất bản cuốn sách đầu tay!

Làm sao giỏi Văn #1

Sự thật về điểm số… Một sự thật về điểm số môn Văn mà bạn cần biết, đó là nếu cho các tác giả nổi tiếng làm bài kiểm tra Văn vừa rồi của bạn, chưa chắc điểm họ đã cao, thậm chí lẹt đẹt. Vì sao? Thứ nhất, thế mạnh của các nhà Văn thường là sáng tác, mà Văn ở trường tôi thấy càng học lên cao lại càng chú trọng tới phân tích tác phẩm. Điều đó cũng giải thích tại sao ngày bé, chúng ta thường đạt điểm cao môn Văn, vì hồi đó hầu hết là Văn miêu tả sáng tác. Dạng Văn này giúp đánh thức hạt giống sáng tạo có sẵn bên trong chúng ta :3 Tuy nhiên để chấm được những bài văn bá đạo thế này, cũng đòi hỏi cô giáo phải có trí tưởng tượng… Thứ hai, hiếm có tác phẩm nào xuất sắc ngay từ đầu. Ngay cả Harry Potter, trước khi nổi tiếng toàn thế giới, J.K Rowling bị từ chối bởi tận 12 nhà xuất bản. Nhiều tác giả dành cả chục năm viết đi viết lại mới ra lò tác phẩm hay được như vậy, huống chi là những bài kiểm tra bạn chỉ được viết duy nhất một lần? (Tôi nghĩ nếu thầy cô cho nộp bài qua email, chắc là điểm số sẽ được cải thiện) Thứ ba, điểm Văn có cao hay không… phụ thuộc rất nhiều vào người chấm, và đôi khi là tên tuổi của người nộp bài nữa. Khi J.K Rowling lấy bút danh Robert Galbraith mới để viết, một nhà xuất bản từ chối bản thảo của bà đã trả lời thư với lời khuyên chân thành là Robert nên tham dự một khóa tập viết lách chuyên nghiệp. Nhưng sau khi thông tin bút danh Robert Galbraith chính là J.K Rowling bị lộ, sách lại bán chạy như tôm tươi. Học sinh cấp hai viết mở bài ấn tượng, nhưng được cô giáo tặng ngay trứng ngỗng :)) Và còn nhiều lý do khác nữa khiến ngày càng có nhiều người đánh đồng việc điểm thấp môn Văn, đồng nghĩa với không giỏi Văn, không có năng khiếu viết lách. Có thể năng khiếu sẽ giúp bạn tiến nhanh hơn, nhưng muốn tiến xa, bạn phải kiên trì. Viết lách là một kĩ năng, bạn có thể rèn luyện để giỏi hơn cả những người có năng khiếu mà chẳng bao giờ đặt bút viết! Do đó, thứ bạn cần làm đầu tiên là phải gạt bỏ niềm tin “mình viết kém, mình tệ Văn” sang một bên, cho dù điểm Văn trên lớp của bạn đang, hoặc đã từng dở tệ; cho dù mỗi lần cầm bút bạn chẳng biết viết gì; cho dù mỗi lần nghĩ tới việc viết thôi, bạn đã bủn rủn chân tay. Để làm điều này, hãy viết câu “Tôi có thể giỏi Văn, tôi có thể Viết tốt” thật nắn nót ra giấy (viết tay nhé), và dán ở chỗ nào đó bạn luôn nhìn thấy mỗi ngày để nhắc nhở tiềm thức của bạn tin vào sự thật đó.

Làm sao giỏi Văn #2

Không học vì điểm thì học vì gì? “Đừng học vì điểm!” Ngày bé, ai cũng khuyên tôi như thế. Nhưng rồi cuối kỳ không hiểu sao ai cũng hỏi “Được mấy điểm?” chứ chẳng thấy ai hỏi “Bạn học được gì từ môn Văn?” Một nghịch lý thú vị về điểm số trong cuộc sống Cổ nhân có câu, “Nếu không có một lý do để làm, sẽ có sẵn hàng trăm lý do để không làm!” do đó bạn cần một lý do trở nên để giỏi Văn, giỏi viết, giỏi lách. Lý do ấy nên là một thứ gì đó tốt đẹp ngoài chuyện điểm số. Với tôi, học Văn là học cách sống. Một tác phẩm Văn học, đơn giản là một câu chuyện, mà ở đó bạn được tiếp xúc với cuộc sống của các nhân vật, đặc biệt là cách họ phản ứng với hoàn cảnh. Học hỏi từ họ, chúng ta có thể tránh được rất nhiều sai lầm trong cuộc sống. Thật tuyệt, nhưng nếu thế thì sách giáo khoa Văn phải trở thành Best-Seller chứ? Vì toàn trích đoạn những tác phẩm hay kinh điển cơ mà? Khi xem một bộ phim, nếu người ta chỉ trích duy nhất một đoạn hay nhất và cho bạn xem, liệu bạn có thể thấy hay không? 90% là không. Bất cứ một đoạn phim nào hay, là vì trước đó đã có rất nhiều tình tiết để chuẩn bị cho cái hay đó (kể cả Trailer phim cũng không bao giờ chỉ có một cảnh). Tương tự, làm sao bạn hiểu hết cái hay của cả tác phẩm, khi chỉ đọc một trích đoạn trong sách? Và một khi bạn đã không thấy hay, thì có nghe ai ca ngợi tới mấy, bạn cũng rất khó bị thuyết phục. Đó là lý do nhiều bạn mong chờ tới giờ Văn để… ngủ. Do vậy, hãy đọc bản đầy đủ của các tác phẩm được giới thiệu trong sách Văn của bạn. Hãy thưởng thức như xem một bộ phim, rồi bạn sẽ thấy chúng hay thực sự. Bên cạnh đó, bộ não chúng ta học qua bắt chước rất giỏi, nên đọc sách cũng là cách giúp bạn gián tiếp nâng cao khả năng viết lách sau này. Hơn nữa, khi vào năm học, trong lúc bạn bè đọc trích đoạn không hiểu gì, bạn có thể tự đưa ra các phân tích như một nhà phê bình văn học (trong mắt tụi bạn).

Làm sao giỏi Văn #3

Đơn giản là viết và… lách Lơi nói có thể bị gió cuốn bay, nhưng câu văn viết trên giấy sẽ ở lại mãi mãi (tất nhiên, gió cũng sẽ cuốn đi nếu tờ giấy quá nhỏ). Với tôi, viết lách không chỉ là cách giúp tâm hồn thư thái khi trút được hết các suy nghĩ bộn bề ra giấy (giờ là laptop), mà còn là cách kết nối với cuộc đời, và làm quen với những người bạn mới. Một kinh nghiệm của bạn khi nói ra, có thể giúp ích được ai đó và bạn bè của họ. Còn khi kinh nghiệm đó được đúc kết thành bài viết và đăng lên mạng, nó có thể đến với cả thế giới. Và phần quà thú vị nhất dành cho bạn sẽ là những lời cảm ơn từ mọi miền đất nước, có thể khiến bạn cười sung sướng suốt cả ngày. Nhưng làm sao để viết hay? Bản chất của VIẾT LÁCH… Bí quyết là mỗi khi viết, hãy viết như thể bạn đang nói chuyện, đang chia sẻ với một người bạn yêu quý, tin tưởng. Và sau đó, viết lại, viết lại, viết lại một lần nữa, cho tới khi nó thật hay. Bộ não bạn không chỉ có khả năng tự học hỏi rất nhanh, mà còn có thể tự chỉnh sửa rất tuyệt vời. Hãy tin tưởng, hãy cho phép nó thử sai, thử sai, thử lại một lần nữa. Đơn giản vậy thôi! Có thể bạn nghĩ cách trên rất hợp với viết Blog, hay sáng tác truyện. Còn những bài kiểm tra Văn trên lớp thì sao? Đâu có được viết đi viết lại? Mà cho dù tập viết ở nhà cũng đâu có đủ thời gian mà viết đi viết lại nhiều lần? Có quá nhiều thứ để học, mà lại quá ít thời gian để luyện. Có thể bạn sẽ không có đủ thời gian để luyện tất cả, nhưng bạn luôn có đủ thời gian để luyện những kỹ năng quan trọng nhất giúp gián tiếp nâng cao các kỹ năng khác. Khi viết lách, tôi thấy có hai vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết. Một là chàng Lý, họ Bí, vì anh ấy mà bạn không biết viết gì. Và hai là chị Lủng, họ Củng, vì chị ấy mà bạn thường xuyên bị phê lời văn lủng củng, không thoát ý.

Hạ bệ chàng Lý Bí để luôn tuôn trào ý tưởng

Với dạng văn phân tích, nếu như bạn thuộc lòng dàn ý thầy cô đưa cho, bạn sẽ luôn biết mình phải viết gì (vấn đề thường chỉ là… viết mở bài như thế nào thôi, cái này sẽ được bật mí sau). Nếu muốn đạt điểm cao hơn, bạn cần hiểu sâu về tác phẩm để có thể đưa ra chính kiến của mình, cũng như liên hệ được với các tác phẩm khác. Nếu bạn đã đọc đầy đủ tác phẩm trên dưới ba lần, điều này sẽ không khó, bạn sẽ luôn có ý tưởng để viết. Với dạng văn chủ đề cuộc sống, việc cập nhật tin tức hàng ngày cũng tốt, song không nhất thiết. Điều quan trọng nhất là bạn biết cách đặt những câu hỏi mở để buộc bộ não phải làm việc, phải đưa ra các ý tưởng cho bạn. Giả sử đề thi yêu cầu viết về lợi ích của việc bơi lội. Thì tôi sẽ lấy nháp, vẽ một cái hồ bơi to tướng, rồi đặt những câu hỏi như “Tại sao mình lại thích đi bơi?” “Một con chuột sẽ nghĩ gì về việc bơi lội?” Bạn sẽ thấy ý tưởng tràn ngập… Bên cạnh đó, thì mỗi dạng văn sẽ thường có một cấu trúc chung. Nếu bạn đã thuộc các cấu trúc này thì bạn sẽ luôn biết cần phải viết gì ở phần mở bài, thân bài, từng đoạn trong thân bài, kết bài. Vấn đề là làm sao để viết cho hay mà thôi. Nhiều bạn không thuộc cấu trúc chung, mà chỉ thuộc máy móc dàn ý thầy cô đưa cho nên khi bị quên một ý nào đó là “đơ” luôn. Hãy thuộc cấu trúc để tránh trở thành một chú gấu trúc đi lạc nhé!

Vượt ải chị Lủng họ củng, diễn đạt trôi chảy, lời văn bóng bẩy?

Sự thật là càng viết nhiều, bạn sẽ càng viết siêu. Càng chơi chữ nhiều, cách bạn dùng từ sẽ càng vần điệu. Nhưng chẳng ai cho bạn cơ hội làm lại bài thi của mình đâu. Do đó bạn cần phải dành thời gian luyện tập, nhưng một bài văn rất dài, làm sao luyện viết nhiều lần được? Có thể bạn không đủ thời gian để tập viết một bài Văn thêm lần nữa, nhưng bạn luôn có đủ thời gian để viết phần Mở bài và Kết bài vài lần. Nếu sắp thi, hãy lấy tất cả các đề thi năm trước, luyện viết phần mở bài kết bài. Nếu rảnh rỗi, hãy lấy tất cả các bài kiểm tra văn của bạn trước đây, viết lại phần mở bài kết bài. Trước khi viết, bạn có thể tham khảo bài điểm cao của bạn bè để học hỏi. Điều thú vị là nhiều nhà văn cũng sáng tác bằng cách viết chương đầu và chương cuối cho thật hay, tạo áp lực cho phần thân cũng phải hay tương xứng. Hãy áp dụng chiến thuật đầu xuôi đuôi lọt để học giỏi văn nhé! Điều quan trọng ở đây là sự chuẩn bị tốt. Môn Văn, hay bất cứ môn nào cũng thế, phòng thi là nơi thể hiện kỹ năng đã hoàn thiện sau bao tháng ngày rèn luyện, nhưng nhiều người lại cứ biến nó thành nơi… luyện tập, để rồi tự hỏi không hiểu sao điểm mình lại thấp. Nếu bạn viết mở bài, kết bài thường xuyên, bạn sẽ thấy vào phòng thi mình có thể bắt tay vào viết ngay mà không cần nghĩ suy. Bên cạnh đó, việc luyện kỹ năng diễn đạt ý tưởng nói chung cũng vô cùng hữu ích và rất dễ luyện. Bạn cố thể tập mọi lúc mọi nơi, kể cả… lướt Web. Khi ai đó đăng bài trên mạng xã hội, diễn đàn, hay trang Web bạn yêu thích, hãy tập thói quen để lại comment, dù chỉ vài câu thôi cũng được. Không những uy tín của bạn tăng lên, mà khả năng viết lách cũng được cải thiện đáng kể. Bật mí với bạn, trước khi bắt đầu sự nghiệp viết lách, tôi đã có trên dưới 1000 giờ chát Yahoo, và để lại hàng ngàn comment trên các diễn đàn có tiếng ngày xưa như Học mãi, Vươn tới thành công…

Tóm lại làm sao Giỏi Văn?

Tóm lại, tôi nghĩ quan trọng nhất không phải là bạn đạt điểm cao môn Văn, mà là trong quá trình học Văn bạn đã trưởng thành hơn như thế nào, và cuối cùng thì khả năng viết lách diễn đạt ý tưởng của bạn được cải thiện ra sao. Bởi vì những thứ ấy sẽ là thứ đi theo, giúp ích cho đời, giúp ích cho người, thậm chí… mang lại thu nhập nếu bạn quyết định trở thành nhà văn hay một người viết lách chuyên nghiệp. Còn điểm số ư? Hết 12 năm học, chúng sẽ nằm đâu đó trong hộc tủ (hoặc đồng nát sắt vụn) mà thôi. Và để giỏi Văn, bạn không cần phải có năng khiếu. Những thứ bạn cần bao gồm: một niềm tin mạnh mẽ rằng bạn có thể viết lách tốt; một lý do ý nghĩa để học môn Văn; và cuối cùng là một tinh thần rèn luyện kỹ năng viết lách (không chỉ là Văn trên lớp) mọi lúc mọi nơi. Hãy viết mỗi ngày, dù là một chút. Và ngay lúc này, hãy comment chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm, thậm chí khó khăn của bạn khi học Văn, dù chỉ một câu thôi, nhưng nó cũng sẽ nâng cao kỹ năng viết của bạn đấy!
“Nguồn: http://fususu.com”

Bình luận về bài viết này